Cách Nhanh Chóng Dễ Dàng Câu Cá Mú Bằng Mồi Jig
Có hai lý do giải thích cho việc bắt cá Mú bằng Jig rất hiệu quả là thói quen ăn mồi là mút mồi rồi lủi nhanh vào hang nên dây câu, dù lớn cỡ nào, cũng không phải là đối thủ của nó.
Chính vì thế, trong kiểu câu đáy, người câu may mắn lắm mới tóm được loại cá ranh ma này. Jigging là thao tác tạo những xung động trong nước gây sự chú ý cho cá.
Khi cá lao ra táp mồi thì ngay trong đà dâng lên của mồi Jig, con cá đã bị lôi ra khỏi hang một cách tự nhiên. Nói cách khác, câu cá Mú bằng mồi jig là một chiến thuật dụ cá ra khỏi nơi trú ẩn và khiến nó không còn đường quay lại.
Mục Lục Bài Viết
Vì Sao Cá Mú Lại Dễ Bị Dụ Bằng Mồi Kim Loại
Thật ra Mú không phải là “tay” dễ bị lừa nhưng chính cái “đầu” của người Nhật đã làm khổ nó. Từ khi kỹ thuật Slow Pitch Jigging ra đời, không biết bao nhiêu loài cá sống trong hang cùng ngõ hẹp như Mú bị lôi lên mặt nước.
Đối với loại già đời, lười biếng, thích ăn dễ dàng như Mú, một con mồi treo mình lơ lửng nằm ngang trong nước rồi rơi xuống chập chời bất định, đích thị là đã chết hoặc bị thương nặng. Điều này mê hoặc con Mú khủng khiếp. Có bữa ăn nào lại dễ dàng đến thế! và không cần suy tính, chúng cứ thế mà lao ra.
Không phải ngẫu nhiên mà mồi Slow Pitch luôn được thiết kế có bản rộng, dẹt một mặt như chiếc lá, trọng tâm đặt ở giữa. Như đã nói, con cá săn mồi chủ yếu dựa vào sóng âm mà nó nghe được trong nước. Với khả năng tiếp nhận tần số thấp, con cá cảm nhận được con mồi chủ yếu nhờ vào những chuyển động của mồi.
Trong vô số các loại chuyển động nhiễu loạn trong nước, loại phác thảo được trong đầu cá hình ảnh một con cá nhỏ đang sợ hãi, hành vi trở nên gàn dở: lao mạnh về phía trước, ngưng lại rồi lại lao tới theo một hướng bất định, đến đỉnh điểm thì rơi xuống… được cá dữ thích nhất.
Cá Mú cũng không ngoại lệ. Nhiều người chuyên câu Mú nhận thấy, cá Mú không cần nhiều động lực để tấn công mồi. Khi con mồi lơ lửng, ngang chàng trong nước càng lâu, rơi xuống càng lâu, trong phạm vi mà nó với tới thì chúng sẽ tìm cách tóm lấy.
Câu Slow Pitch mà càng liên kết được các chuyển động của mồi Jig theo chiều ngang thì càng kích thích nhiều các cú táp. Đỉnh điểm của sự kích thích đó là khi Jig rơi tự do…
Thế nhưng, với nhiều người, câu cá Mú bằng kỹ thuật Slow Pitch Jigging là một sự hoang tưởng. Làm thế nào để bắt con cá to khủng, nặng như đá tảng đó bằng loại cần câu quá mảnh mai?
Bức tranh tương phản giữa con cá và dụng cụ câu càng rõ nét hơn khi so sánh với dây câu, dây trục và dây ngọn, chúng quá nhỏ! dây phải nhỏ để tránh cản nước, cản Jig chuyển sang chiều ngang.
Không gì là không thể! Với những người đam mê chinh phục, càng khó càng thách thức, càng làm cho thành quả thêm giá trị. Tôi chắc bạn cũng là một trong số đó, vậy hãy tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật trí tuệ đỉnh cao này.
Cách câu Cá Mú Bằng Phương Pháp Slow Pitch Jigging
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Slow Pitch Jigging là duy trì phương thẳng đứng giữa người câu và mồi Jig. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa ảnh hưởng của người câu với mồi và sự thể hiện của mồi trong vùng tấn công. Thêm vào đó, nó cho người câu góc tốt nhất để tạo lực bẩy trong suốt cuộc chiến.
Muốn duy trì phương thẳng đứng, dây phải thật mảnh, mồi rơi thật nhẹ, vừa để tăng khả năng tiếp xúc vừa giảm sức cản của nước. Sự thẳng hàng giữa người câu với con Jig nhờ đó luôn được duy trì.
Thế nhưng, để đối phó với những con cá hùng mạnh, chủ nhân lâu đời của đáy biển như Mú cần phải thận trọng điều chỉnh một chút sao cho nguyên lý của phương pháp không bị thay đổi quá nhiều mà vẫn bảo vệ được thành quả:
Sử dụng dây trục và dây ngọn lớn hơn: Nhiều người có thể cho rằng điều này sẽ làm giảm đáng kể mối liên lạc với cá vì dây lớn gây cản nước và tạo ra dây chùng khiến cho mồi jig bị chệch hướng. Giải pháp là dùng Jig nặng hơn sẽ làm dây hết chùng và cho phép duy trì phương thẳng đứng.
Dây lớn hơn cũng sẽ giúp triệt tiêu sức mạnh lao xuống của cá Mú tốt hơn. Trong thực tế, mồi Jig lớn sẽ vào vùng “nóng” nhanh hơn.
Mồi Slow Pitch có rất nhiều loại màu sắc, trọng lượng, đảm nhiệm tốt nhiệm vụ ở các mực sâu và dòng chảy khác nhau. Khi nhắm mục tiêu là cá Mú, hãy dùng Jig bản lớn để kích sự tò mò và thu hút sự chú ý của chúng.
Chú trọng mọi phụ tùng đi kèm: Vai trò của các nút thắt và phụ tùng đi kèm như khoen liền, khoen vòng, lưỡi câu thường bị bỏ qua, nhưng thật ra, chúng rất quan trọng trong quá trình bắt cá.
Cùng với chất lượng, chúng là những yếu tố chính, nối kết với kỹ thuật và dụng cụ câu khác để tạo ra sự thành công cho buổi câu. Không hiếm những lần người câu tiếc ngẩn ngơ khi chứng kiến những con cá lớn bị sẩy do nút thắt hoặc khoen vòng (split ring) bị ngoác.
Để tránh những thảm họa tiềm ẩn như vậy, người câu phải đảm bảo rằng tất cả các điểm kết nối không dễ bị thất bại. Câu Mú nên tạo nút thắt theo kiểu PR đoạn nối dây trục với dây ngọn và nút thắt AG cho đoạn dây ngọn nối khoen vòng.
Theo quan điểm của tôi, khi cột các nút thắt này nên có sức trì giữ mạnh nhất. Lưỡi assist nên đủ mỏng, sắc để xuyên hàm cá khi dâng lên và đủ khỏe để giữ cá.
Sử dụng hai cặp lưỡi cho một con Jig là để ở mọi lúc, cá bị mắc lưỡi trong ít nhất hai, ba điểm, cho phép lực phân bố đều bằng số điểm giữ. Bạn sẽ cần khoen rời (split ring), loại tốt, chịu được mức hãm cao cùng một con cá lớn, khỏe.
Liệu bạn đã làm đúng? Ai cũng biết chạm vào cá Mú không phải dễ dàng, dù về mặt lý thuyết, với cá Mú không cần làm quá nhiều việc mới kích thích được nó. Thế nhưng, sự khan hiếm của loài cá này trong mỗi đợt câu khiến người ta phải suy nghĩ: Liệu mình có làm đúng?.
Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy chú ý: Nếu Jig đang ở tương đối gần với đáy, bạn liên tục nhận được liên lạc và jig lên cá nhỏ có cùng kích thước như Jig của bạn, kể cả nhỏ hơn, nghĩa là bạn đang đi đúng “bài”.
Nhưng nếu bạn thường xuyên không nhận được bất kỳ liên lạc nào, có thể là do bài “trình diễn” của bạn trên mồi Jig không đủ hấp dẫn để kích hoạt sự ham muốn ăn mồi của cá Mú.
Lúc đó, trước hết, bạn hãy thử đơn giản hóa cách tiếp cận: Một “Pitch” bây giờ sẽ tính trọn một vòng quay máy (không phải ½ ¼ hay 1/8 vòng như trước nữa) đồng thời cho Jig có khoảng thời gian tạm ngừng trước khi lặp lại tiến trình giữa 3-5 lần, và để cho Jig rơi xuống trở lại.
Nếu không có gì thay đổi, tiếp tục thử phương pháp này với một “Pitch” cho ½ vòng quay máy. Mục đích là làm cho con Jig bắt chước càng giống càng tốt tư thế, trạng thái của một con cá bị thương hoặc chết, vì vậy hãy sử dụng trí tưởng tượng để giúp bạn trình bày.
Nhịp điệu và sự uyển chuyển sẽ thay đổi, khác nhau giữa các lần và bạn sẽ đánh giá được hiệu quả thông qua việc cảm nhận số lần tiếp cận được với cá.
Bắt cá Mú bằng đồ câu nhỏ, nhẹ trong điều kiện không thể chế ngự được cá để nâng nó lên quả là cam go, đòi hỏi người câu phải thật “lỳ đòn” và có chiến thuật.
cá Mú sống ở đáy biển và tấn công jig trong phạm vi cách đáy không hơn 6 mét. Vì thế, chiến thuật bắt cũng phải khác nhau giữa các tầng nước khác nhau.
Độ sâu Thả Mồi Tốt Nhất Để Câu Cá Mú
Đây là khu vực Jig bị cá Mú tấn công. Việc quan trọng là làm sao để ngăn không cho cá chạy vào rạn sau khi mắc câu. Thông thường cá Mú sẽ lao thẳng xuống đáy hoặc lách vào các khe đá, hang vách và nằm im. Khi đó, dù dây PE hoặc dây ngọn không chạm vào vách đá thì người câu cũng khó mà lôi chúng ra được.
Các tay câu chuyên nghiệp luôn phải đếm số lượt giật “ Pitch” để biết họ và cá đang cách đáy bao xa. Nếu biết được con số chính xác là bao nhiêu, họ sẽ quyết định nên hãm một lực bao nhiêu để chặn con cá lại.
Hãy tập trung cao độ. Nếu khống chế được cú chạy đầu tiên và thứ hai của con cá, đồng thời nâng được nó lên khỏi đáy 10-15m thì sẽ ra khỏi khu vực được cho là nguy hiểm vào bậc nhất này.
Nếu may mắn móc được cá lớn ở gần đáy, bạn sẽ có hai lựa chọn: Một là tìm cách ngăn cá chạy và cầu nguyện cho lưỡi câu, nút thắt, khoen, dây trục, dây ngọn và cả sức mạnh của thân thể bạn chống lại được sức mạnh của cá.
Hai là nới lỏng bộ hãm dây để cho dây thông thoáng, vì dây PE quá căng sẽ đứt ngay khi chạm vào bất kỳ vật cứng sắc nào. Nên để cho con cá tự do một chút. Nó bơi ra xa thì lôi nó trở lại.
Dĩ nhiên là bạn phải lường trước được nguy cơ con cá lợi dụng sự lỏng lẻo của dây để chạy vào rạn. Dây PE, dây ngọn cũng có thể bị cứa vào gờ, mép rạn khi kéo căng dây lôi cá trở lại. Bạn chỉ có một vài giây để quyết định.
Nếu cá bị mắc câu ở sát đáy thì sao? Không gì có thể di chuyển được nó. Một con cá nhỏ cũng có thể gây khó khăn cho bạn nếu chúng bám vào khe đá huống hồ cá lớn. Lúc này đừng cố lôi nó ra vì chỉ gây tổn hại cho dây trục và dây ngọn mà thôi.
Tất cả những gì có thể làm là chờ đợi, giữ dây trong tay, dây không cần quá căng nhưng phải tập trung để cảm nhận cho được khi nào con cá bắt đầu rời nơi cố thủ. Con cá sẽ rời khỏi chỗ trốn ít nhất một lần để tìm chỗ khác tốt hơn.
Khi bạn cảm thấy con cá bắt đầu dời đi, hãy lấy hết sức bình sinh vừa quay máy thu dây vừa kéo bật cá ra khỏi chỗ nấp, nếu không cá sẽ lôi tuột dây chạy vào chỗ trốn khác và dây ngọn có thể không còn đủ sức chịu đựng được nữa. Sau khi cá đã ra khỏi đáy, bạn có thể kéo nó dễ dàng, hãy nới lỏng bộ hãm vì dây ngọn có thể đã bị sờn.
Thật ra, nếu có đủ kinh nghiệm và sự bình tĩnh, bạn sẽ không đóng lưỡi giật cá khi ở gần sát đáy. Nên chủ động đưa cá ra xa bằng cách quay thu dây từ 5-10 vòng sau khi Jig chạm đáy.
Khi đó con mồi sẽ đi lên và cách đáy từ 3-6 mét. Ở những điểm câu như Côn Đảo, mực nước trung bình chỉ khoảng 35– 50 mét thì số vòng quay thu dây khoảng 2-6 vòng.
Làm điều này để cá không có cơ hội táp mồi ở sát đáy, thêm vào đó, sự dâng lên rất nhanh của con Jig sẽ gây chú ý cho cá khiến chúng quyết tâm đuổi theo cho kỳ được.
Cách này cũng giúp thu lại phần dây chùng đã bị nới lỏng trong quá trình thả mồi xuống giúp cho Jig di chuyển mạnh hơn ở chu kỳ tiếp theo.
Bạn nên tiếp tục quay máy một cách chắc tay và bình tĩnh. Ở khu vực này không có đá nên không sợ bị cứa đứt dây câu, không có trọng lực để thay đổi trạng thái căng của dây, cũng không có sự vội vàng gấp rút. Nếu con cá chạy thì cứ để dây tuôn ra, đừng kéo mạnh và cũng đừng nới lỏng.
Chỉ có một nguy cơ là nếu cuộc giao chiến kéo dài quá lâu, lưỡi câu cùng các nút thắt nhiều khả năng bị lung lay và yếu đi, dụng cụ câu nhỏ sẽ mất nhiều thời gian quay thu dây.
Điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, nâng cần lên thật vững vàng. Lưu ý việc chỉnh nút hãm, không quá chặt mà cũng không quá lỏng.
Gần mặt nước là khu vực nguy hiểm thứ hai và rất dễ mất cá. Lúc này, dây câu đang rất ngắn, một cử động nhỏ của con cá cũng tác động mạnh đến toàn hệ thống: Lưỡi câu có thể bong ra; nút thắt có thể tuột hoặc đứt; bất kỳ thành phần nào đã bị tổn thương đều có thể gãy, vỡ.
Thời điểm ra khỏi nước, dây sẽ mất đi sự kháng nước và tiếp nhận trọng lực, khi con cá kháng cự, một phần cơ thể nặng nề của nó làm vỡ toang mặt nước sẽ tác động và làm thay đổi sức căng dây.
Nếu nghĩ rằng độ đóng lưỡi là chưa đủ an toàn, hoặc cuộc giao tranh đã quá dài, dây đã có thể bị tổn thương, bạn nên nới lỏng nút hãm đến mức thấp nhất có thể. Thay đổi mức độ căng của dây là tất cả những lưu ý trong giai đoạn này.
Cách Dòng Cá
Câu Slow Pitch Jiging để bắt cá Mú có rất nhiều lợi thế, mồi jig và kỹ thuật tạo chuyển động cho mồi là “đúng ý” Mú nhất so với các kiểu – mồi Jigging khác. Bù lại, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi cá đã mắc câu.
Một khi cá đã ăn mồi của bạn thì trận chiến mới thật sự bắt đầu. Kỹ thuật Slow Pitch Jigging hướng người câu đến việc dùng cần câu nhẹ (nhưng phải khỏe) và có độ đàn hồi cao. Nhiệm vụ của cần câu là giúp cho mồi Jig múa lượn và đóng cá, chỉ vậy.
Phần việc còn lại là của máy câu và kỹ thuật của câu thủ. Khi dòng cá, nên nâng cần lên cao để tận dụng sự đàn hồi của cần câu nhằm giảm bớt những tác động bất ngờ từ con cá đang vùng vẫy. Nhưng nếu nâng cần lên quá 90 độ so với dây thì cần có thể bị gãy, vì ở tư thế này, độ đàn hồi của cần đã bị triệt tiêu.
Người câu phải thuộc nằm lòng rằng câu Slow Pitch Jigging là câu cá theo phương thẳng đứng và cần câu được nâng lên tối đa chỉ ở mức 90 độ so với dây câu mà thôi.