Câu waggler

Hướng Dẫn Chi Tiết Kỹ Thuật Và Phương Pháp Câu waggler

4.9/5 - (10 bình chọn)

Câu waggler là gì?

Trước tiên, nhiều cần thủ sẽ lạ lẫm với phương pháp câu waggler, và đặt câu hỏi: Câu waggler là gì? Thật ra đây là phương pháp câu phao khá giống thể loại sử dụng cần câu tay, nhưng với waggler thì lại sử dụng máy câu cũng như cần câu máy kết hợp với các loại phap waggler để câu.

Đối tượng của câu waggler là các loài cá trắng, đó là từ chung để chỉ các loại cá như chép, trám, mè, trôi, chài, vền…

Theo các cần thủ nhiều kinh nghiệm câu các loại cần tay hay các loại cần máy với các phương pháp câu khác, thì khi chuyển qua câu waggler thì cũng cảm thấy khá dễ dàng và đầy đủ đồ nghề câu, tuy nhiên, cần thủ sử dụng câu waggler phải nắm vững nhiều kỹ thuật câu khác nhau mới câu tốt được.

Đồng thời, so với các cần thủ câu bằng cần tay, thì câu waggler tốn kém hơn về mặt kinh tế, bởi nó cần có nhiều dụng cụ cơ bản đi kèm hơn.

Tuy nhiên, đó là chỉ xét về mặt “dễ dàng nhìn thấy”, chứ thực chất, với những cần thủ câu tay thì chi phí bỏ ra cho trang bị sẽ nhiều hơn khá nhiều so với các cẩn thủ câu waggler, bởi họ trang bị cho mình những chiếc cần câu tay cực dài và khỏe, có thể lên đến 10m với chất lượng cực tốt, điều đó đồng giá bán cần loại này rất cao, cao hơn cả một bộ cần và máy waggler.

Ban đầu với chiếc cần tay dài 8-12m, câu cá rất thích, nhất là với các loại cá trắng như đã nói trên. Tuy nhiên, cảm giác câu của các cần thủ sử dụng loại cần dài như thế này, đó chỉ gói gọn trong 1 từ: lượm thượm. Bởi một chiếc cần quá dài như vậy thì có rất nhiều khúc nằm bên trong nhau. Riêng việc thu ngắn hay kéo dài ra là cả một quá trình rồi.

Chưa kể, những chiếc cần câu tay như vậy thì lại rất dài và nặng. Nếu chỉ sử dụng những chiếc cần tay thông thường thì với chiều dài hơn 10m như vậy, nó rất nặng, không dưới 1kg đâu, khiến cần thủ khi câu cũng cảm thấy mệt mỏi.

Còn nếu sử dụng cần tay dài nhưng là loại cao cấp thì cũng thể giảm thêm vài trăm gr, cũng chẳng nhằm nhò gì lắm. Công nghệ chế tạo cần tay càng ngày càng cao, có thể có những chiếc cần tay dài hơn 10m lại nặng chỉ khoảng 500gr, rất hay.

Tuy nhiên, ưu điểm về sự gọn nhẹ lại vẫn không thể xóa nhòa được tính lượm thượm của nó. Chính vì thế, lúc này, phương pháp câu waggler được cần thủ để ý đến, bởi nó có thể giúp cần thủ sử dụng một chiếc cần ngắn nhưng có thể câu ở những vị trí xa hơn tới 20m.

Chuẩn bị dụng cụ cho phương pháp câu waggler

Kỹ thuật câu nào cũng cần phải có những yêu cầu về dụng cụ đi kèm với nó, với kỹ thuật câu waggler cũng vậy, cần thủ phải chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho câu waggler, từ cần câu, máy câu, phao hay mồi và lưỡi.

Cần câu: Thông thường thì là những cần câu khoảng 3m9. Tuy nhiên, hiện nay đã có các loại cần câu có chiều dài khác, từ 3m3 đến 4m5 và có lực tải chì từ vài gr đến vài chục gr và kèm nhiều action khác nhau. Ngoài ra, với các cần câu ngắn khoảng 3m3 đến 3m6 thì có thể dùng để câu kênh đào hoặc ao, hồ nhỏ.

Máy câu: Nên chọn những máy câu có tốc độ thu dây cao, từ khoảng 0m85 đến 1m hoặc nhanh hơn nữa tính trên mỗi vòng quay của tay quay. Ngoài ra các máy câu này nên có nhiều bạc đạn để giúp hạn chế các mài mòn khi quay, cùng với đó là nên có một bộ hãm có chất lượng tốt. Kích cỡ của máy câu hợp lý nên từ size 2500 đến 3000 thôi, như máy câu Shimano Stradic CI4+ 2500 chẳng hạn.

Cước câu thì đặc biệt là loại cước câu waggler có tỉ trọng nặng hơn nước nên có thể chìm xuống dưới mặt nước dễ dàng, có đường kính khoảng từ 0.12mm đến 0.18mm hoặc cũng có thể lớn hơn, tùy vào sức khỏe của cần thủ có thể chịu được hay không.

Phao waggler là chắc chắn phải dùng, nếu câu ở khu vực nước tĩnh thì có thể sử dụng các loại phao waggler bình thường, còn nếu câu ở dòng nước chạy thì phao stick là lựa chọn tối ưu nhất.

Các loại phao waggler làm bằng lông công, gỗ balsa hay hỗn hợp balsa và lông công, hay có thể là những phao waggler đúc bằng nhựa rỗng trong suốt… có lực tải chì vừa phải, tương ứng với sức khỏe của cần thủ.

Điều Chú ý khi tập câu waggler

  • Một hộp chì câu đặc biết có phân loại các kiểu chì từ SSG, AA đến BB…
  • Một vài khoen chống xoắn cước.
  • Một đoạn thẻo câu Fluorocarbon có lực tải thấp hơn cước trục ít nhất 200gr.
  • Câu cá lớn nên mang theo các loại lưỡi câu có size lớn, từ 10-22 làm bằng thép, gọng tròn và tay lưỡi trung bình.
  • Các dụng cụ câu khác như túi đựng cần, ô, dù, chân chống, gác cần và cả ná thun.
  • Với 10 điều cần chú ý này thì bạn sẽ có một quá trình tập luyện cũng như chuẩn bị tốt và phù hợp để câu waggler.

1. Chọn máy câu phù hợp

Câu waggler là chia tay câu tay sang sử dụng hình thức máy câu. Chính vì thế máy câu cá chính là vật dụng quan trọng để có một buổi câu thành công.

Sau một vài buổi câu thử nghiệm với waggler thì nếu bạn cảm thấy máy câu chất lượng không đáp ứng được thì sẽ gây ra nhiều trở ngại khi liệng mồi và thu dây cũng như lúc dòng cá.

Để sử dụng máy câu một cách tốt nhất thì cần phải thêm đủ cước để câu, cước phải được trải đều trên ổ chứa nhưng các vòng quấn không được lỏng lẻo hay siết quá chặt. Và thông thường thì các cần thủ chỉ sử dụng tối đa 150m cước.

Một máy câu phù hợp với phương pháp câu waggler là loại máy câu thường được thiết kế với vận tốc cuốn dây khá nhanh, ổ chứa cước của chúng luôn có lõi dây và đường câu không quá dài.

2. Chọn dùng cho đúng các loại chì câu

Chì câu dùng trong phương pháp câu waggler này có nhiều kích cỡ tương đương với cách câu tay. Một điểm đặc biệt, là chì câu waggler phải rất mềm, để cần thủ có thể dùng ngón tay để kẹp vào cước câu rất dễ dàng.

Thông thường thì các viên chì câu dành cho câu waggler là chì lớn có các ký hiệu như SSG, AAA, BB… Kiểu chì SSG có trọng lượng khoảng 1.6gr/1 viên, có thể chống chịu được các loại phao lớn.

Còn khi chọn các loại chì kẹp thì nên chọn những viên chì được xẻ rảnh ngay giữa tâm và nếu gặp phải những viên chì bị cắt xéo thì vứt đi, vì chúng gần như không có khả năng dính chắc vào dây sau khi kẹp.

3. Ném tổ hợp câu cho chính xác

Quang mồi câu bằng cần waggler thì không có gì khó khăn lắm, tuy nhiên, để ném được đường câu một cách bài bản và chuyên nghiệp thì một lưu ý nếu sử dụng các máy câu có bộ phận gắn máy câu trên chiếc cần có thể dịch chuyển được, thì tốt nhất nên tì cánh tay vào, để làm cho máy câu ở điểm mà khi cầm cần, bạn cảm thấy có thể tì cả khuỷu tay vào cũng không vấn đề gì.

Khi ném mồi với cần waggler, không nên dùng lực để ném mồi quá mạnh, mà chỉ cần dựa vào sức bật của cánh tay và cần thì tốt hơn. Bởi các loại cần câu này có đọt khá mảnh, ném mạnh quá “án mạng” sẽ xảy ra với chiếc cần của bạn đấy.

Để nhắm liệng mồi thì có 1 cách đơn giản nhất là ngắm mục tiêu từ đỉnh đầu, và cách ngắm này luôn chính xác hơn các cách ngắm bằng cách đưa ra phía vai trái hay vai phải.

Và để tránh trường hợp đường câu rối mù khi vừa rơi xuống nước thì hãy tập thói quen hãm dây lại khi vừa tiếp nước, bằng cách đè nhẹ ngón tay trỏ cái vào ổ cước. Khi đó bạn sẽ duỗi thẳng được đường câu dễ dàng.

4. Cần phải dìm đầu đường câu xuống dưới mặt nước hay không?

Nói đường câu nghe hơi khó hiểu, chính vì thế vua câu cá sẽ giải thích đường câu là gì đã. Đường câu là đoạn cước và tổ hợp câu từ ngọn cần cho đến lưỡi câu. Còn đầu đường câu là đoạn cước từ phao đến khoen đầu bu của cần câu.

Phần lớn các đường câu trong kỹ thuật câu waggler này thì phao đều được kết nối với đường câu chỉ với một điểm buộc/cột mà thôi. Nhưng vẫn có một kiểu phao waggler được buộc đến 2 hoặc 3 điểm, là kiểu phao Stick thường được dùng để câu gần bờ và ở những nơi có dòng chảy.

Đôi khi việc trong các trường hợp câu khác nhau, thì bạn sẽ gặp phải trường hợp không thể dìm được đường câu xuống dưới mặt nước được.

Vì vậy, thấu hiểu tâm tư của các cần thủ, các nhà sản xuất đồ câu cá đã tạo ra một loại cước câu đặc biệt có tên là cước waggler với tỷ trọng cao hơn nước một chút khiến nó có thể dễ dàng chìm vào trong nước.

Ngoài ra, đôi khi tại những điểm câu có những cần thủ vô ý thức đã xả các loại dầu mỡ xuống nước khiến khi các cần thủ quăng dây câu thì bị phủ một lớp dầu mỏng bên ngoài khiến nó không thể nào chìm xuống mặt nước được.

Để giải quyết tình trạng này thì các cần thủ nên có sẵn một miếng mút mỏng đã tẩm sẵn nước rửa chén để lau dầu mỡ dính trên cước. Mỗi khi thu dây chỉ cần cạ miếng mút này vào đường câu là được.

5. Giật cần câu nhẹ nhàng thôi

Có khá nhiều cách để nhìn nhận một cần thủ là một cao thủ hay một gà mờ, trong đó cách giật cần khi cá cắn câu là dễ nhận thấy nhất. Thông thường, những cần thủ mới vào nghề thì cách giật cần của cần thủ này không khác gì dân bửa củi. Điều này khiến cho phao, chì, lưỡi, treo hết lên trên đọt cây trên đầu hay phía sau là bình thường.

Để tránh các trường hợp ném cả nùi phao, chì, lưỡi lên bờ thì cách hay nhất các cần thủ mới nên tập cho thành thói quen đó là: Học cách giật xéo hay giật xiên.

Cách thực hiện như sau, nhẹ nhàng thôi: Khi cảm nhận được cá vừa đớp mồi, phao lay động và thập thò thì lúc này cần thủ nên hạ thấp đầu cần xuống và cùng lúc hướng mũi cần về phía phải hoặc bên trái tùy vào trường hợp cá cắn câu như thế nào, sau đó căn nhẹ đường câu. Đúng lúc phao vừa lút hay bềnh thì hãy giật nhẹ khuỷu tay, lưu ý là dùng khuỷu tay nhé… là đủ.

6. Luyện cách ném mồi câu vào ổ bả lần nào cũng như lần nào

Câu cá kết hợp vời mồi bả, mồi xả thì cần thủ luôn phải cố gắng đặt mồi câu ngay vị trí ổ bả để có tỉ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên, để ném được mồi câu vào ổ không phải là chuyện đơn giản.

Thông thường thì các cần thủ sẽ ném đường câu ra xa 1 tí rồi sau đó thu dây kéo lại ngay vị trí mồi xả, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao ném đúng hướng và làm sao để biết mồi câu đang nằm trước hay sau ổ xả? Ngoài ra lại gặp cả trường hợp quăng đúng hướng nhưng nó lại lệch trái hay lệch phải thì sao?

Trong câu cá thì có rất nhiều thủ thuật được các cần thủ nghĩ ra để có thể định hướng khi quăng mồi, ví dụ như nhắm vào một tàng cây, một ngôi nhà nào đó ở đối diện, cố định khoảng cách từ bờ đến ổ mồi xả bằng cách đánh dấu vào cước câu.

Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất và dễ thực hiện nhất đó là đánh dấu ổ mồi xả bằng cách thả phao nổi. Trong nhiều trường hợp nếu thiết đồ nghề thì có thể đánh dấu ổ bả bằng cách trộn các hạt xốp vào bả mồi là được.

7. Tạo điều kiện cho cá thấy mồi câu

Để cá cắn câu không phải chỉ cần một con mồi thật hấp dẫn, một ổ thính thật xịn, bởi có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng, nếu bạn quăng một con mồi câu bất động nằm giữa ổ thính thì khả năng lũ cá nhìn thấy mồi câu cũng rất thấp, nhất là ở những nơi mà cá không được đông đúc lắm.

Chính vì thế, để tạo điều kiện cho cá thấy mồi câu, cần thủ phải biết cách làm cho mồi câu trở nên sinh động hơn, khiêu khích hơn. Bằng cách như sau: Với những khu vực nước tĩnh thì đôi khi cần thủ nên làm cho mồi câu sinh động hơn bằng cách nhấp nhẹ đầu cần câu để lê mồi câu một khoảng ngắn.

Còn với những nơi có dòng nước chảy, thì việc rê mồi là không cần thiết, mà công việc của bạn chỉ là thả và ghìm mồi lại để nó trở nên sinh động hơn.

Bằng cách mở vòng quấn dây, sau đó trong quá trình máy câu xả dây ra theo dòng nước thì cần thủ dùng ngón tay của mình để tì vào đường dây cước, điều này sẽ khiến cho mồi câu đang ở đáy nước bị nhấc bổng lên, sau đó lại thả dây ra thì mồi câu lại bị chìm xuống lại. Điều này sẽ rất kích thích các loài cá đang ăn ngược nước.

8. Vị trí thả câu

Rất ít cần thủ khi đi câu thực hiện thăm dò đáy nước, nhất là trong câu waggler thì điều này càng không cần thiết. Bởi khi sử dụng cách câu waggler thì mục tiêu của các cần thủ là câu xa bờ để tìm cá lớn, chính vì thế thẻo mồi luôn rê trên đáy nước và cách đáy khoảng vài phân đến vài chục cm.

Với phương pháp câu này thì cần thủ chỉ cần thả câu vào ổ mồi sao cho chùm chì câu đừng cách xa đáy nước quá là chuẩn.

Tuy nhiên, nếu gặp phải một số trường hợp đáy nước quá ghồ ghề và nhiều chứng ngại vật thì là một vấn đề. Chính vì thế, dù sao thì cần thủ cũng nên tìm hiểu sơ qua về địa hình đáy nước ở đây, và nên tìm một khu vực câu lý tưởng với đáy bằng phẳng.

9. Kỹ thuật xả thính khi câu gần

Với tầm câu khoảng 5-7m thì cần thủ có thể không cần pha trộn bột vào thính câu và thực hiện xả thính bằng tay, tức là dùng tay ném đi. Tuy nhiên, nếu câu xa hơn nữa thì cách xả thính tốt nhất là sử dụng một chiếc ná thun chuyên dụng để bắn mồi câu ra xa.

Số lượng mồi xả không cần quá nhiều, nhưng buộc phải bắn ra thường xuyên. Và cần thủ nên tập thói quen bắn mồi câu mà không cần phải buông cần câu xuống, bằng cách nắm cầu câu bằng 3 ngón tay, 2 ngón còn lại sẽ nắm túi mồi để rải, còn tay kia sẽ nắm tay ná, sau đó giương ra và bắn đi.

10. Kỹ thuật tạo ổ mồi ở những vị trí khá xa bờ

Với các khu vực câu cách điểm đứng tới hơn 20m thì rải mồi bằng tay hay bắn mồi bằng ná thun nhỏ thì vô tác dụng, vì thế, cần thủ phải áp dụng cách xả mồi của các cần thủ câu cá chép, bằng cách trộn chúng với một hỗn hợp bột. Rồi sau đó sử dụng một chiếc ná thun lớn để ném mồi này ra xa.

say-song-bien
Một Số Mẹo Hay Hạn Chế Say Sóng Khi Đi Câu Biển
19 Tháng mười một, 2020
Người Bắt Đầu Câu Cá
Những Kiến Thức Cơ Bản Hay Nhất Cho Người Bắt Đầu Câu Cá
12 Tháng mười một, 2020
cách câu cá lóc
Hướng Dẫn Chuẩn Bị Cách Câu Cá Lóc Chuyên Nghiệp
11 Tháng mười một, 2020