cá leo

Một Chuyến Về Miền Tây Sông Nước Đi Săn Cá Bắt Cá Leo

4.7/5 - (8 bình chọn)

Miền Nam nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng mỗi năm chỉ có hai mùa mưa, nắng. Mưa thì như trút nước, mưa rồi tạnh, rồi lại mưa, kéo dài đến sáu tháng.

Sáu tháng còn lại, nắng chói chang nhưng dễ chịu vì có gió, không oi bức như mùa hè ở miền Trung và Bắc Bộ. Mưa ít thì nước lên chậm, dân địa phương gọi là nước nhích, bò lên bờ.

Mưa nhiều, nước leo nhanh, nhảy qua bờ khi mưa già liên miên cùng với nước từ thượng nguồn chảy mạnh xuống, nhấn chìm đất đai, đồng ruộng dưới làn nước phù sa.

Hàng trăm loại cá, tôm từ Biển Hồ xứ Chùa Tháp bị nước đẩy, trôi xuống miền Châu Đốc và các tỉnh thành vùng Tây Nam Bộ sinh sản.

Khi nước tràn bờ kênh, rạch, xâm nhập vào vùng ruộng, rẫy trũng thấp, đó là mùa trăng mật của “cô, cậu” cá Leo.

Cái tên cá Leo khá lạ lẫm với điển từ nhưng với người dân xứ Tây Nam Bộ thì lại gần gũi, thân thuộc.

Họ ban cho loài cá thích leo, thích chạy trên nước cạn mỗi khi đi tìm sự sung sướng trong hạnh phúc lứa đôi một cái tên đúng như đặc tính sinh học của chúng: “cá Leo”.

Cá Leo chỉ sống ở vùng nước ngọt, xưa có nhiều ở Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường nằm sát biên giới Việt-Miên. Cá Leo mình dẹp, dài, đầu to, miệng móm, môi trớt, không vẩy, thịt cá ăn ngon. Cá lớn có thể nặng đến ba, bốn kí lô.

Dân quê chuẩn bị rượt bắt cá Leo từ giữa tháng năm đến giữa tháng sáu, nhưng trọng điểm chỉ khoảng mười ngày. Khi nước nhảy bờ qua những kênh, rạch chằng chịt.

Nước tràn vào đồng ruộng, chỗ nào trũng thấp, nước tràn vào trước. Cá Leo cũng theo vào để hưởng “tuần trăng mật”.

Người ta rượt bắt cá Leo bằng nơm. Trời mưa lất phất, trên trời có trăng non là thời điểm thuận lợi nhất để rượt bắt cá Leo.

Người đứng yên một chỗ tại vùng nước cạn, nơi có nhiều cá Leo di chuyển, hai tay hai nơm, sẵn sàng ra quân. “Cô, cậu” cá Leo từ dưới kênh rạch phóng lên, mơn trớn nhau làm nước tung bọt trắng xóa.

Chúng chạy đến đâu người đều biết đến đó. Vào mùa yêu đương, không phải một cặp mà hàng chục cặp cá rượt đuổi nhau rất hào hứng.

Chỗ nào nước hơi sâu thì chỉ thấy đường dợn sóng của cá Leo đang di chuyển. Còn chỗ nước cạn, nông, lưng cá Leo nổi rõ lên khi chạy, trông đã con mắt.

Nhiều khi “cô,cậu” mải mê rượt đuổi, quần nhau nên chạy rướn leo lên bờ mắc cạn.

Vậy là hết. Muốn trở lại nước, chúng phải mất nhiều giây. Và thế là lọt vào tay các tay thiện nghệ chuyên rượt bắt cá Leo.

Muốn bắt được cá Leo, người ta chọn vùng nước cạn và không rộng lắm. Vì nếu rộng quá, cá Leo chạy tứ tung, khó bắt.

Người rượt bắt cá Leo đi theo từng nhóm hai, ba người. Mỗi người đứng một phía, cách nhau độ mười, mười lăm mét.

Cá Leo chạy rượt nhau phía này rồi đổi sang hướng khác. Chúng ở gần ai nhất thì người đó ra tay thật nhanh mới chụp nơm được.

Có khi họ được cả hai “cô, cậu” chung tình cho đến chết, nhưng thường chỉ được một, con còn lại chạy trối chết xuống kênh rạch.

Khi nghiên cứu đặc tính yêu đương của các loài cá, người ta thấy rằng mỗi loài đều có một đặc tính riêng.

Sự mơn trớn, ve vuốt, làm tình của cá Lia Thia rất dịu dàng, êm ái. Con trống, con mái đâu mỏ vào nhau, tỏ tình yêu thương.

Cá trống giương xòe kỳ vi, khoe màu sắc, lắc mình uốn cong bao quanh cá mái đang nằm lim dim, bất động, chỉ đưa miệng lên mặt nước để thở, nhả bọt.

Đây là giây phút “mê mẫn” của loài thủy tộc này. Ngược lại, loài cá Leo, đúng như cái tên của nó, hết sức sôi nổi và dữ dội.

Chúng leo lên dòng nước cạn, lao vào cuộc tình và chuốc họa vào thân: Con người ra tay ngay khi các “cô, cậu” đang “mùi mẫn”, ngã nghiêng, phơi bụng trắng toát, không tài nào né tránh được.

Thời gian “đắm say” này chỉ trong chốc lát nhưng có khi phải trả giá bằng cả “cuộc đời”.

Cá Leo khá lớn con, một cặp trứng để đầy một dĩa lớn. Nếu sinh sản thành công, chúng có thể nở ra hàng ngàn con.

Dân quê thường lấy trứng cá đem muối sơ rồi nướng hoặc chiên thành món ăn rất hấp dẫn.

Trứng cá Leo còn được chiên hoặc nướng tươi, nghĩa là không có muối, ăn với nước mắm tỏi ớt có pha giấm hoặc chanh.

Nước mắm ăn với trứng cá Leo hấp, nướng hoặc chiên tươi phải là nước mắm pha loãng. Để trứng, thịt cá ngập trong nước mắm mới thấm, ăn ngon hơn.

Ở nhà quê, người ta hay ăn cá chiên với hoa súng, hoa điên điển sống hoặc làm dưa chua, đem chấm vào nước mắm dầm cá chiên ăn rất bắt.

Cá Leo càng lớn càng ngon, thịt nhiều và dai. Phần thịt ngon nhất là từ cổ đến hai phần ba thân cá, còn phần sau đuôi dẹp, lép, ít thịt hơn.

Cá Leo chỉ chế biến quanh quẩn có các món chiên, nướng, hấp, nấu canh chua, kho. Người ta còn làm khô, làm mắm cá Leo nữa. Cùng họ với cá Leo có cá Kết, cá Trèn.

Cá Kết lớn hơn cá Trèn, có hình dáng giống như cá Leo, cũng môi trớt, mình dẹp nhưng trắng hồng, còn cá leo thì trắng xám.

Cá Kết nhỏ con hơn cá Leo nhiều. Bên cạnh cá Leo to, khỏe, vạm vỡ, tràn đầy sức sống, cá Kết giống như một cô thôn nữ nhỏ nhắn, mảnh mai.

Thịt cá Kết ngon, thơm, ngọt, mềm hơn thịt cá Leo. Chế biến các món cá Kết cũng tương tự như cá Leo.

Xứ Biển Hồ, Chùa Tháp Campuchia là nơi sản sinh và nuôi dưỡng rất nhiều loài cá. Ở đây, cá có quanh năm chứ không như Tây Nam Bộ chỉ có vào vụ thu hoạch trong mùa nước lớn.

Người Miên thường xỏ cá thành từng xâu, mỗi xâu chừng 10-12 con, xếp lại thành hình chiếc quạt, đem phơi nắng hoặc xông khói, trữ được lâu và ăn rất ngon. Khô cá Kết còn làm nên món gỏi Sầu Đâu rất tuyệt.

Cá Trèn thì có hai loại là Cá Trèn và cá Trèn Bầu. Với cá Trèn nhỏ, người ta thường làm mắm, gọi là mắm cá Trèn.

Mắm cá Trèn khá cao cấp, có giá đắt hơn cả mắm Thái, tức mắm cá Lóc xắt miếng hay xé nhỏ trộn với đu đủ bào. Người ta còn kho mặn cá Trèn nhỏ.

Còn cá Trèn lớn hoặc cá Trèn bầu thì có cách chế biến giống như cá Leo, cá Kết. Trong dòng họ cá này, cá Trèn bầu là ngon nhất.

Chỗ ngon nhất của cá Trèn bầu chính là cái bầu của cá, thịt nhiều, béo ngậy. Dân quê sành ăn thường kho tộ cá Trèn, rắc thêm chút hành, tiêu ăn cùng với gạo nàng hương Chợ Đào ngon hết ý.

Từ năm 1960 trở về sau, cá Leo ngày một ít dần. Không biết ở sông nước miền Tây ngày nay có còn nhiều giống cá độc đáo này?

Nếu còn, chắc chúng cũng khó mà thong dong, thảnh thơi, leo tìm sự “sung sướng” trong mùa hạnh phúc!!!

cá phượng hoàng
Tìm Hiểu Cách Nuôi Và Chăm Sóc Cá Phượng Hoàng
22 Tháng mười hai, 2020
cá killi
3 Bí Mật Về Cá killi Mà Thế Giới không Muốn Cho Bạn Biết
20 Tháng mười hai, 2020
mồi câu cá diếc
Đây Là Một Phước Pháp Giúp Bạn Làm Mồi Câu Cá Diếc Thành Công
11 Tháng mười hai, 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *